Kết quả, đánh giá và ảnh hưởng Chiến_dịch_tấn_công_hữu_ngạn_Dniepr

Kết quả

Đây là một trong các chiến dịch thuộc vào hàng lớn nhất trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Liên Xô (cũ) cũng như trong Chiến tranh thế giới thứ hai về quy mô quân số, vũ khí, phương tiện, trang bị hậu cần kỹ thuật được huy động, về không gian chiến trường cũng như tốc độ tấn công. Trong 4 tháng, Quân đội Liên Xô đã tiến về phía Tây từ 200 km trên hướng Odessa đến 500 km trên hướng Kiev - Chernovtsy. Tốc độ tấn công trung bình của các phương diện quân nơi thấp nhất khoảng 3,5 km/ngày đêm, nơi cao nhất khoảng 15 km/ngày đêm (không kể những ngày tạm dừng) trong điều kiện đối phương kháng cự quyết liệt và mùa xuân tan băng sớm hơn thường lệ ở Ukraina.[120] Trong khi đó, với điều kiện mùa hè 1941 và với lợi thế tấn công bất ngờ, Quân đội Đức Quốc xã cũng phải mất đến hơn 3 tháng để vượt qua Kiev.

Thiệt hại của các bên tham chiến cũng thuộc vào hàng những chiến dịch có nhiều thương vong nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai với trên dưới 50% quân số mỗi bên bị loại khỏi vòng chiến đấu, hàng nghìn xe tăng, hàng chục nghìn pháo, súng cối và hàng nghìn máy bay bị phá hủy, bị bắn rơi. Những thiệt hại vật chất trên bộ to lớn như vậy chỉ có ở chiến trường Xô-Đức. Đối với quân đội Liên Xô thì nền công nghiệp quân sự của họ hoàn toàn có thể khắc phục được những thiệt hại đó một cách nhanh chóng. Trong chiến dịch, đã có 750 xe tăng được bổ sung cho các phương diện quân Ukraina 1, 2[73] và 360 xe tăng được bổ sung cho các phương diện quân Ukraina 3, 4.[121]

Quân đội Đức Quốc xã cũng bổ sung binh lực của mình nhưng chỉ phần nửa số tài sản quân sự đó được xuất xưởng tại các nhà máy, số còn lại được chuyển đến từ Pháp, Hà Lan, Balkan, Trung Âu và từ Cụm tập đoàn quân Bắc đến. Nhờ vậy đến cuối chiến dịch, Quân đội Đức quốc xã đã đạt được cân bằng về xe tăng tại mặt trận Ukraina[122]. Tiềm lực quân sự của nước Đức Quốc xã đã bị tiêu hao rất lớn trong chiến dịch này không chỉ ở số lượng tài sản quân sự bị phá hủy mà một loạt các nhà máy công nghiệp ở Ukraina còn lại trong tay quân Đức cũng bị Quân đội Liên Xô chiếm lại, đặc biệt là khu công nghiệp Krivoy Rog - Nikolayev. Tướng Kurt von Tippelskirch phải thừa nhận:

Vào mùa xuân năm 1944, các tập đoàn quân Đức đã suy yếu đáng kể. Năm trên sáu sư đoàn xe tăng dự trữ đã được điều động cho Cụm Tập đoàn quân Bắc Ukraina. Bốn sư đoàn bộ binh dự bị cũng được điều động cho Cụm tập đoàn quân Nam Ukraina. Tại nước Đức, tình hình chung đã xấu đi rất nhiều và cuối cùng, dẫn đến sự tan vỡ về niềm tin vào một chiến thắng của nước Đức. Nếu như năm 1943, nước Đức còn có một lượng dự trữ khá mạnh để đối phó với những tình huống như vậy thì giờ đây, quân đội Đức đang rút lui ở khắp nơi, cũng không thể phối hợp các đơn vị để tổ chức các cuộc phản công lớn.
— Kurt von Tippelskirch, [123]

Kết thúc chiến dịch, Quân đội Liên Xô đã giải phóng các tỉnh Vinnitskaya, Volynskaya, Zhitomirskaya, Kievskaya, Kirovogradskaya, Rovnenskaya, Khmelnytskaya, một phần tỉnh Poltavskaya và một phần lãnh thổ của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết Moldavia có tổng diện tích lên đến 204 nghìn ki lô mét vuông.

Đánh giá

Chiến trường phía Tây Ukraina mùa xuân năm 1944 cho thấy một hình ảnh ngược lại với mùa hè năm 1941 sau trên dưới 1.000 ngày chiến tranh. Năm 1941, quân đội Đức Quốc xã nắm quyền chủ động tấn công từ Tây sang Đông, người thua trận là Quân đội Liên Xô. Người triển khai các vòng vây là quân đội Đức Quốc xã, nằm trong các vòng vây là quân đội Liên Xô. Bây giờ, năm 1944, bên nắm quyền chủ động tấn công từ Đông sang Tây là Quân đội Liên Xô và người bại trận là Quân đội Đức Quốc xã. Người triển khai các vòng vây là Quân đội Liên Xô, còn người ở trong các vòng vây là Quân đội Đức Quốc xã. Sau gần 3 năm chiến tranh, tình thế và vai trò đã hoàn toàn đảo ngược.

Quân đội Liên Xô

Những điểm mạnh

Cuối năm 1943, đầu năm 1944, khi chiếm lại hầu hết lãnh thổ cũng là lúc mà Quân đội Liên Xô đã khắc phục được hầu hết những nhược điểm trước đó của họ. Những nhược điểm ấy đã làm cho họ thất bại nặng nề và phải rút lui liên tục trong các năm 1941, 1942 và chỉ trụ lại được nhờ những lực lượng dự bị to lớn, có khả năng tiến hành các chiến dịch phản công chiến lược. Những nhược điểm ấy cũng làm cho họ không thành công trong "Chiến dịch Bước nhảy vọt" hay những cố gắng đẩy lùi quân Đức khỏi bàn đạp Rzhev - Viazma gần Moskva năm 1943. Trước con mắt của thế giới và chính người Đức, đối thủ của họ, Quân đội Liên Xô năm 1944 đã là một quân đội khác hẳn so với năm 1941[124].

Trong các trận chiến tại hữu ngạn Ukraina cuói năm 1943 đầu năm 1944, Quân đội Liên Xô đã chấp nhận mạo hiểm để cho một vài địa đoạn trên chính diện phòng ngự của mình yếu đi, thậm chí, gần như bỏ lỏng hẳn hướng thứ yếu. Nhờ đó họ rút bớt binh lực và phương tiện ở các hướng này để tăng cường cho các hướng tấn công chính, tạo nên ưu thế từ 1,5:1 đến 2 lần, thậm chí đến hơn 3 lần so với đối phương. Pháo binh Liên Xô cũng được sử dụng rất tập trung vào các mũi đột kích chủ yếu chứ không phân tán, dàn đều. Các tập đoàn quân Liên Xô khi được giao nhiệm vụ tấn công đều được tăng cường rất mạnh về xe tăng, pháo binh và được quyền trực tiếp yêu cầu không quân của Phương diện quân yểm hộ mà không cần phải thông qua tư lệnh phương diện quân. Trong khi các tập đoàn quân giữ vai trò phòng ngự hoặc tấn công trên hướng thứ yếu thường có ít xe tăng và pháo hơn. Đó chính là điều đã đem lại thành công cho Quân đội Liên Xô trong các chiến dịch mùa đông 1943-1944 ở Ukraina.[8]

Chiến thuật của Quân đội Liên Xô cũng có nhiều điểm khác biệt so với trước đó 2 năm. Khác với quân Đức thường sử dụng xe tăng mở cửa đột phá thì Quân đội Liên Xô thường dùng bộ binh đột phá sau khi được pháo binh chi viện hỏa lực rất mạnh. Các sư đoàn bộ binh của Liên Xô khi đột kích thường lựa chọn một chính diện rất hẹp và tổ chức xung phong liên tục cho đến khi đột phá được lớp phòng ngự vòng ngoài của đối phương. Và ngay sau đó thì các quân đoàn xe tăng được đưa vào cửa mở để phát triển tấn công và nhanh chóng tràn đến các tuyến phòng thủ sâu phía trong trận địa của đối phương. Để chống lại các cuộc đột kích này không hề đơn giản. Đối phương phải tổ chức phòng ngự chặt chẽ, nhiều lớp và phải dành ra vài sư đoàn xe tăng làm lực lượng dự bị và luôn trong tình trạng cơ động mới có thể ngăn được cuộc tấn công và bịt các cửa mở. Các hoạt động trinh sát chiến đấu của Quân đội Liên Xô cũng được tiến hành thường xuyên và kỹ càng hơn. Nhờ vậy, họ nhanh chóng phát hiện ra những "mối nối" lỏng lẻo hiểm yếu trên trận tuyến của đối phương để hướng đòn đột kích vào đó. Trong một số trường hợp, họ có thể dừng ngay cuộc tấn công khi phát hiện ra chủ lực bộ binh và xe tăng đối phương đang "chờ sẵn" ở khu vực dự kiến đột phá và chuyển cuộc tấn công ra hướng khác. Nghệ thuật ngụy trang và việc thường xuyên chuyển quân bí mật vào ban đêm của Quân đội Liên Xô đã làm cho đối phương của họ rất khó đoán định lực lượng xe tăng (chủ lực của các cuộc đột phá) có mặt ở đâu. Và khi đối phương của họ nhận ra điều nay thì thường là đã quá muộn.[125]

Những điểm yếu

Nhược điểm lớn nhất mà Quân đội Liên Xô vấp phải và đã từng vấp phải nhiều lần vẫn là vấn đề cung cấp hậu cần, kỹ thuật. Tuy nền công nghiệp quốc phòng của họ vẫn đều đặn tăng sản lượng nhưng các chuyến hàng, đặc biệt là "hàng nặng" vẫn bị chậm trễ, nhất là trong các cuộc tấn công với tốc độ nhanh như ở Ukraina mùa Đông 1943-1944. Các tuyến đường sắt chậm được khôi phục trong khi ngành công nghiệp Liên Xô chưa sản xuất được các xe tải hạng nặng để chở xe tăng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng phải trì hoãn một số cuộc tấn công thêm một thời gian, hoặc phải đột phá khi chưa tập trung đủ binh lực. Sự chậm trễ trong việc cung cấp xe tăng cho Phương diện quân Ukraina 4 trước chiến dịch Nikopol-Krivoy Rog chính là nguyên nhân khiến cho các phương diện quân Ukraina 3 và 4 suýt để "sổng" cụm quân Đức - Romania tại khu vực Krivoy Rog.[126]

Một nhược điểm khác của Quân đội Liên Xô trong sử dụng xe tăng là thường kết hợp để chở bộ binh đi cùng trên vỏ xe, rất dễ gây thương vong cho bộ binh khi xe tăng bị tấn công ngay cả bị bắn bằng đạn mảnh phá. Một nhược điểm nữa là các xe tăng Liên Xô, dù khỏe và rẻ vẫn hay được dùng làm sức kéo hỗ trợ cho bộ binh và pháo binh hoặc dùng để chuyên chở nhiều thứ khác khi hành quân. Điều này dẫn đến tuổi thọ của máy móc giảm mạnh, lượng tiêu thụ nhiên liệu tăng lên nhanh chóng và một số hư hỏng kỹ thuật khác phát sinh, ảnh hưởng đến tính năng chiến đấu của xe. Không ít xe tăng Liên Xô đã phải nằm lại trên tiền duyên không phải vì bị bắn hỏng mà vì lý do kỹ thuật.[127]

Một trong các điểm yếu trong thực hành chiến thuật bao vây của Quân đội Liên Xô đầu năm 1944 là đôi khi họ không tính toán đủ lực lượng, dẫn đến sai lầm khi bố trí hướng đột kích chủ yếu của chiến dịch và không lường trước được phản ứng rất mạnh của Quân đội Đức Quốc xã. Rõ rệt nhất là ở Chiến dịch tấn công Proskurov–Chernovtsy, mặc dù có ý đổ lỗi cho tình báo quân sự nhưng G. K. Zhukov cũng phải thừa nhận rằng trong chiến dịch này, ông đã không tính đến sự "xuống sức" nhanh chóng của các tập đoàn quân xe tăng cũng như không bố trí Tập đoàn quân xe tăng 1 đột kích chếch về hướng Đông Nam đến Kamenets-Podolsky (thay vì đột kích vào hướng Nam đến Chernovtsy). Việc thiếu phối hợp giữa Phương diện quân Ukraina 1 và Phương diện quân Ukraina 2 khi cánh phải của phương diện quân này mãi đến ngày 31 tháng 3 mới có mặt tại Khotin cũng là một nguyên nhân khiến cho một bộ phận không nhỏ quân Đức trong vòng vây ở Kamenets - Podonsky được rảnh rỗi ở mặt Nam đã đột kích qua sông Dniestr và chạy thoát sang phía Tây. G. K. Zhukov cũng cho rằng, chắc chắn không chỉ có hàng chục xe tăng Đức với bộ binh đi theo đã thoát ra được như cấp dưới báo cáo khi đó mà là nhiều hơn nữa.[128] Cũng trong tình trạng tương tự, một số đơn vị của các cụm quân Đức bị vây ở Bereznegovatoye-Snigirevka và Odessa vẫn có thể thoát được nhờ vòng vây không chặt của Quân đội Liên Xô.

Quân đội Đức Quốc xã

Cuối năm 1943, đầu năm 1944, Quân đội Đức Quốc xã tuy đã bị thiệt hại nặng nhưng vẫn còn là một lực lượng quân sự lớn thứ hai ở châu Âu sau Liên Xô. Vì binh lực bị giảm sút nhiều so với năm 1942 nên việc chọn chiến lược phòng ngự tích cực như đề xuất của Erich von Manstein là hoàn toàn chính xác. Nó cũng không khác mấy so với đề xuất của G. K. Zhukov về phòng thủ tích cực trong kế hoạch tác chiến 1942 của Liên Xô khi đối phương đang chiếm ưu thế cả về binh lực và thế trận. Chủ trương lui quân của Erich von Manstein cũng là một chủ trương đúng vì càng rút sang phía Tây, quân Đức càng thu hẹp được chính diện mặt trận, tăng mật độ binh lực trong phòng ngự lên cao hơn. Mặt khác, việc lui quân cũng làm cho quân Đức tiếp cận gần hơn với các nguồn dự trữ về binh lực, vũ khí, phương tiện từ nước Đức và các nước đồng minh Đông Âu thân Đức. Cũng như ở Bắc Kavkaz năm 1943, quân Đức đã học được các "bài học thoát vây" mà thể hiện rõ nhất là trong Chiến dịch Proskurov–Chernovtsy, họ đã không để lặp lại một Korsun-Shevchenkovsky thứ hai. Nếu như Korsun-Shevchenkovsky được coi là một chiến dịch thành công của Quân đội Liên Xô thì việc phân nửa Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) "thoát chết" tại Kamenets-Podolsky cũng là một thành công của Quân đội Đức Quốc xã.[129]

Tuy nhiên, rút lui mà vẫn bảo toàn được lực lượng không phải là điều dễ làm. Chính Erich von Manstein cũng thừa nhận "rút lui khó khăn hơn tấn công". Theo ông, "trong tất cả các loại tác chiến thì việc rút lui dưới áp lực nặng nề từ đối phương có lẽ là điều khó khăn và nguy hiểm nhất"[130]. Lâu nay người ta thường cho rằng lệnh cấm rút lui của Hitler là do ông ta thiếu hiểu biết về quân sự và bản tính tự ái quá cao của ông ta. Điều này không hoàn toàn đúng. Nếu như các tướng lĩnh như Erich von Manstein, Walter Model, Maximilian de Angelis, Hans-Valentin Hube hay Erhard Raus chỉ là những nhà quân sự thuần túy thì Adolf Hitler còn là một nhà chính trị, người lãnh đạo cao nhất của nhà nước Đức Quốc xã. Vậy cái gì đã đưa Hitler đến chỗ kiên trì cấm rút quân gần như trong suốt thời gian của chiến dịch?

Như mọi cuộc chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh tổng lực, mỗi một hoạt động quân sự trên chiến trường tự nó đã có ý nghĩa của một hoạt động chính trị và tác động rất mạnh đến chính trị. Việc rút quân cho dù tình thế quân sự bắt buộc phải làm như vậy cũng sẽ tác động mạnh đến tinh thần của dân chúng và sĩ khí của quân đội. Nó cũng tác động đến các quan hệ quốc tế của nước Đức Quốc xã, làm giảm lòng tin của các nước đồng minh của Đức và kích thích tinh thần chống nước Đức Quốc xã.[131] Vấn đề là ở chỗ dư luận công chúng và ngay cả các nhà chính trị thường rất ít quan tâm đến nghệ thuật quân sự, đến việc bài binh bố trận và điều hành lực lượng chiến đấu của các bên. Họ chỉ chăm chú xem xét xem bên nào chết nhiều, bên nào chết ít, bên nào mất cái gì, bên nào chiếm được cái gì, bên nào tiến lên, bên nào rút lui..., từ đó để rút ra kết luận về sự thắng thua của các bên.[132] Vì thế mà ngay cả với cuộc bại trận không thể chối cãi ở Stalingrad và cuộc rút chạy khỏi Kavkaz sau đó của Quân đội Đức Quốc xã, Hitler vẫn phải bảo Goebels tô vẽ cho nó một màu sắc thành công bi tráng.[133] Và với cuộc bại trận tại Korsun-Shevchenkovsky, Hitler cũng làm đúng như vậy. Ông ta lệnh cho hãng Wokhenshau tổ chức làm một bộ phim ngụy tạo cuộc rút lui thần kỳ của quân Đức tại Korsun-Shevchenkovsky, tưởng thưởng Huân chương Chữ thập sắt cho các tướng lĩnh ở ngoài vòng vây và tổ chức truy điệu trọng thể cho tướng Wilhelm Stemmermann.[134] Những việc làm ấy tưởng chừng như ngược đời và có vẻ vô liêm sỉ nhưng thực ra lại rất cần thiết trong hoạt động chính trị, ít ra là đối với nước Đức Quốc xã khi đó. Vì tất cả những lẽ đó, Hitler, với tư cách là một nhà chính trị, một người lãnh đạo nhà nước đã kiên trì lệnh cấm rút quân, cho dù quân đội Đức Quốc xã đang trên đà xuống dốc.[122]

Chính sự giằng xé đầy mâu thuẫn giữa hai thứ phải giữ và cũng là giữa hai mục tiêu giữ uy tín của chế độ chính trị hoặc giữ lực lượng quân đội đã chia rẽ các nhà chính trị và các nhà quân sự Đức Quốc xã khi họ chỉ có thể chọn một trong hai mục tiêu đó. Việc giữ đất, và do đó, giữ được uy tín với các đồng minh thân phát xít, giữ được những nguồn tài nguyên ngày càng hiếm hoi để tiếp tục "nuôi chiến tranh" cũng quan trọng không kém việc bảo toàn lực lượng quân sự. Bên cạnh những nguyên nhân có tính chất thuần túy quân sự thì đây là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thất bại của nước Đức Quốc xã, không chỉ tại Chiến dịch hữu ngạn Ukraina mà còn cả trong giai đoạn cuối cùng của Chiến tranh thế giới thứ hai. Và Hitler đã chọn cách hy sinh quân đội để chỉ giữ lấy uy tín của chế độ Quốc xã trong khi mất quân đồng nghĩa với mất đất. Đây là điều được nhiều cựu tướng lĩnh của Hitler đề cập đến tại các phiên tòa xét xử các tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã tại Nuremberg cũng như tại nhiều tác phẩm mà họ viết ra sau chiến tranh.[135]

Mặc dù Mặt trận thứ hai chưa được mở ở Tây Âu, và mỗi khi chiến sự tạm lắng xuống ở Mặt trận phía Đông, nước Đức Quốc xã lại điều bớt quân đội sang phía Tây để phòng bị chống lại một cuộc tấn công mà chưa biết đích xác khi nào nó sẽ xảy ra. Nhưng từ khi quân đội Đức Quốc xã mất toàn bộ vùng tả ngạn sông Ukraina, một sự kiện mà như Erich von Manstein đánh giá: "sẽ làm cho mặt trận phía Đông không còn lấy một ngày yên tĩnh" thì tần suất điều quân từ Tây sang Đông và ngược lại tăng lên đột ngột. Trong khi hệ thống vận tải đường sắt của nước Đức Quốc xã phải làm việc hết công suất vẫn không thể đảm bảo đáp ứng một nhu cầu chuyển quân khổng lồ như vậy. Việc không đủ xe tăng cho một mặt trận rộng đến hơn 1.000 km chính diện cũng làm cho Quân đội Đức Quốc xã phải liên tục điều động 18 sư đoàn xe tăng từ Bắc xuống Nam và ngược lại, đến những mặt trận "nóng" nhất. Mặc dù miền Tây sông Dniepr có một hệ thống đường sắt khá dày đặc gồm 3 tuyến chạy dọc từ Tây Bắc xuống Đông Nam đến Biển Đen hầu như song song với biên giới Liên Xô (1941) và hàng chục tuyến đường ngang nhưng vẫn không đủ để cơ động các lực lượng xe tăng Đức.[136] Kể từ khi quân đội Liên Xô tiến đến tả ngạn Ukraina, các tuyến đường sắt bên hữu ngạn, đến tận Lvov thường xuyên bị Không quân Liên Xô đánh phá. Và trong tay các đội du kích chống phát xít ở Ukraina của S. A. Kovpak, T. A. Strokach, A. F. Fedorov lúc nào cũng có sẵn trong tay những thứ vũ khí rẻ tiền như mìn, thuốc nổ để lật đổ các đoàn xe lửa quân sự chở xe tăng, pháo và xe quân sự của quân đội Đức Quốc xã (có giá trị hàng triệu Mark) theo lệnh từ Bộ Tổng chỉ huy du kích qua các điện đài được trang bị cho họ.[137]

Chủ trương của Hitler về việc thu hẹp hầu hết các dây chuyền sản xuất vũ khí cũ để đầu tư vào các dây chuyền sản xuất vũ khí hiện đại hơn, đặc biệt là xe tăng và máy bay khi tình hình mặt trận đang diễn biến xấu đi đã gây khó khăn không nhỏ cho việc cung cấp vũ khí, khí tài hạng nặng cho quân đội Đức Quốc xã.[138] Trong khi nguồn kinh phí và nguyên nhiên liệu ngày càng bị thu hẹp thì việc sản xuất một đơn vị vũ khí mới lại tiêu tốn tiền của và nguyên nhiên liệu lớn gần gấp đôi so với việc sản xuất một đơn vị vũ khí thế hệ cũ. Với cùng một suất đầu tư, nếu như năm 1941, nước Đức có thể sản xuất 4 xe tăng Pz-IV hay 6 xe tăng Pz-III thì năm 1943-1944 chỉ có thể sản xuất được 2 xe tăng Tiger I hoặc 1 xe tăng Tiger II. Chất lượng xe tăng, máy bay mới tốt hơn không thể bù đắp lại được những suy giảm về sản lượng xe tăng trong khi xe tăng là thứ vũ khí đột kích cũng như phòng thủ trên bộ mạnh nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Đây là một sai lầm nghiêm trọng của bộ máy chiến tranh Đức Quốc xã khi nó tạo ra những sự thay đổi đột ngột về công nghiệp quốc phòng đáng lẽ ra chỉ được tiến hành trong thời bình, từ trước khi chiến tranh nổ ra.[136]

Cuối cùng là nguyên nhân về nhân sự. Sau ba năm chiến tranh, nước Đức đã tổn thất rất nặng cả một thế hệ sĩ quan trung cấp và sơ cấp dày dạn kinh nghiệm chiến đấu từ những năm 1939-1940. Mặc dù các thống chế và tướng lĩnh cao cấp bị tổn thất ít hơn nhưng giờ đây, cấp dưới của họ là những trung tá, thiếu tá, đại úy, trung úy còn trẻ, được đào tạo cấp tốc, mới chỉ qua vài tháng cho đến hơn một năm trận mạc, nhiều sĩ quan vừa mới tốt nghiệp các trường quân sự ngắn hạn, không thể sánh được với các sĩ quan trung cấp và sơ cấp được đào tạo bài bản và có nhiều kinh nghiệm hơn ở ba năm trước đó. Tình hình hạ sĩ quan và binh sĩ Đức cũng ở tình trạng tương tự trong khi chính họ mới là những người quyết định nhất đến số phận của các trận đánh.[14]

Ảnh hưởng

Chiến dịch tấn công hữu ngạn Dniepr và Chiến dịch Krym đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho quân Romania đóng tại Ukraina.[100] Đây là lần thứ hai, Quân đội Romania thân Đức cùng chịu "vạ lây" với đồng minh của họ khi họ cố gắng chống giữ ở vùng đất giữa sông Dniestr và sông Nam Bug mà người Đức đã "chia" cho Romania như một chiến lợi phẩm mà họ đoạt được từ tay Liên Xô năm 1941. Nhưng khác với Trận Stalingrad, việc tham chiến lần này đã đưa chiến tranh tới cửa ngõ của Romania. Việc này cùng với việc Hồng quân tiến vào Romania đã khiến Hoàng gia Romania bắt đầu các cuộc đàm phán bí mật với Liên Xô sau các chiến dịch này.[100] Ngày 20 tháng 3, vua Romania Mihai I (Hoàng thân Hohenzollern), lúc đó đang ở Thụy Sĩ, cử công tước Mihai Ştirbu là đại sứ Romania tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) tiếp xúc với đại sứ Liên Xô tại đây để bàn về việc đình chiến giữa quân đội hai nước. Ngày 22 tháng 3 năm 1944, tờ Genève Daily ở Thụy Sĩ đã vội loan tin tại Ankara, công tước Mihai Ştirbu đã nhận được các điều kiện đình chiến của người Nga được người Anh tán thành. Bài báo còn nói thêm rằng dường như trong các thỏa thuận đạt được, có cả các thỏa thuận về đường biên giới Liên Xô - Romania, về việc trả lại tỉnh Bắc Transilvania cho Romania và việc Liên Xô từ chối nhận bồi thường chiến tranh. Ngay hôm sau, TASS đã bác bỏ tất cả các thông tin nói trên và nêu rõ rằng Nhà nước Xô Viết chưa bao giờ đặt ra bất kỳ một điều kiện nào đối với công tước Mihai Ştirbu hay với bất cứ một đại biểu nào của Romania và chính phủ Liên Xô chưa ký kết bất kỳ một văn kiện ngoại giao nào với Romania.[139]

Nội bộ Romania bắt đầu chia rẽ. Trong khi Vua Mihai I muốn rút Romania ra khỏi chiến tranh thì thủ tướng, thống chế Ion Antonescu lại bày tỏ lòng trung thành với Hitler. Đối với Hitler, từ phía Đông không chỉ có con đường ngắn nhất đến biên giới nước Đức qua Ba Lan mà còn có một con đường khác, đường vòng qua Balkan - Transilvania, qua Hungary và Áo để tiếp cận nước Đức từ hướng Đông Nam. Đây cũng là hướng mà tại Hội nghị Tehran tháng 11 năm 1943, Thủ tướng Anh Winston Churchill đề nghị để Liên quân đồng minh Anh-Hoa Kỳ đổ bộ lên Hy Lạp nhưng bị Liên Xô bác bỏ và Hoa Kỳ không ủng hộ. Bên cạnh đó, vùng sản xuất dầu mỏ Ploieşti là một trong hai vùng sản xuất dầu cuối cùng mà nước Đức Quốc xã còn nắm giữ (vùng còn lại ở Tây Bắc Hungary-Đông Nam Áo). Vì vậy, hành động của Ion Antonescu được Hitler đánh giá cao. Nước Đức Quốc xã bắt đầu san sẻ những dự trữ của mình để nâng cấp trang bị cho quân đội Romania chiến đấu cùng với quân đội Đức Quốc xã chống lại Quân đội Liên Xô. Trong đó phải kể đến Sư đoàn xe tăng Nước Đại Romania được trang bị hoàn toàn bằng các xe tăng Tiger IPanzer IV như các sư đoàn xe tăng Đức.

Sau Chiến dịch tấn công Proskurov–ChernovtsyChiến dịch tấn công Uman–Botoşani, Quân đội Liên Xô đã tiến đến sát biên giới phía Tây Tiệp Khắc (cũ) gần đèo Dukla. Ngày 11 tháng 4 năm 1944, những người yêu nước Tiệp Khắc lưu vong đã có một cuộc mít tinh ở London. Họ đã gửi một bức điện đến Tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô, trong đó nêu rõ:

Nhân dịp Hồng quân và các đơn vị quân đội Tiệp Khắc tiến đến biên giới của nhà nước Tiệp Khắc, chúng tôi, các công dân Tiệp Khắc tập hợp tại cuộc mít tinh này, gửi đến các bạn lời chào nồng nhiệt. Tình hữu nghị anh em của các dân tộc Tiệp Khắc và Liên Xô, được gắn bó bằng máu trong các trận đánh tại Sokolovo và Belaya Cherkov, sẽ tiếp tục được tái hiện trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước nô lệ của chúng tôi. Đất nước của chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn mãi mãi đối với những người anh hùng của Hồng quân Liên Xô... Chúng tôi hy vọng rằng tình hữu nghị, hợp tác giữa hai dân tộc sẽ được mở rộng để vượt qua những thử thách nặng nề nhất.
— London, ngày 11 tháng 4 năm 1944. Những người yêu nước Tiệp Khắc, [140]

Ngày 8 tháng 5 năm 1944, thừa ủy quyền của Tổng thống Tiệp Khắc (lưu vong) Edvard Beneš, tướng Heliodor Píka tùy viên quân sự Tiệp Khắc tại Moskva đã đề nghị ký kết với đại diện Bộ Tổng tham mưu Liên Xô một thỏa thuận về việc Liên Xô hỗ trợ cho Tiệp Khắc về vũ khí và trang bị để xây dựng 2 sư đoàn Slovakia trong thành phần quân đội Tiệp Khắc. Liên Xô đồng ý với đề nghị của tướng Píka và đặt điều kiện, trong thành phần quân đội Tiệp Khắc chống phát xít phải có Quân đoàn độc lập Tiệp Khắc 1 được xây dựng từ cấp tiểu đoàn năm 1943, cấp lữ đoàn năm 1944, đã có nhiều kinh nghiệm chiến đấu qua Chiến dịch Ngôi SaoChiến dịch giải phóng Kiev. Ở thời điểm đó và cả về sau, quân đoàn này là đơn vị binh chủng hợp thành hoàn chỉnh nhất của Quân đội Tiệp Khắc trong Chiến tranh thế giới thứ hai với đầy đủ biên chế quân số, pháo binh, xe tăng, hậu cần kỹ thuật và có cả một phi đội máy bay trinh sát do phi công Tiệp Khắc điều khiển. Tướng Heliodor Píka hứa sẽ báo cáo gấp về London các đề nghị của Liên Xô. Còn I. V. Stalin thì chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu Quân đội Liên Xô bắt tay vào nghiên cứu vạch kế hoạch các chiến dịch ở Slovakia như một nghĩa vụ chi viện cho đồng minh Tiệp Khắc.[141]

Sự kiện trên báo hiệu những vấn đề mới mà Quân đội Liên Xô sẽ gặp phải khi tiến hành các hoạt động quân sự trên lãnh thổ nước ngoài. Đó là các vấn đề quan hệ quốc tế. Cũng như "Chiến dịch Overlord" của các nước đồng minh Anh-Mỹ nhằm giải phóng Tây Âu; Quân đội Liên Xô cũng tiến hành các chiến dịch như vậy ở phần Đông Âu theo những quy định tại Hội nghị Tehran. Tuy nhiên, không phải là không có những ngờ vực lẫn những thông tin không chính xác có thể ảnh hưởng đến tâm lý dân chúng ở những vùng mà Quân đội Liên Xô phải tiến hành các chiến dịch quân sự để tiến đến nước Đức, phối hợp với quân đội Đồng Minh đánh bại chủ nghĩa Quốc xã. Trong một nỗ lực để tránh những mối ngờ vực lẫn nhau có thể xảy ra giữa các nước Đồng Minh chống phát xít và làm nước Đức Quốc xã thêm suy yếu về chính trị đối ngoại; ngày 13 tháng 5 năm 1944, các chính phủ Anh, Hoa Kỳ và Liên Xô đã ra bản tuyên bố chung gửi cho các nước Hungary, Romania, Bulgaria và Phần Lan, kêu gọi họ nhanh chóng rút ra khỏi chiến tranh, cắt đứt các quan hệ với nước Đức Quốc xã. Bản tuyên bố cũng vạch rõ, những hành động tích cực của họ chống lại nước Đức Quốc xã cũng sẽ góp phần rút ngắn thời gian chiến tranh ở Châu Âu, giảm bớt thiệt hại cho quân đội các nước đồng minh và cũng giảm bớt thiệt hại cho chính họ.[142]

Trong dư luận các nước đồng minh cũng có một số giới cho rằng người Nga sẽ dừng lại trên biên giới quốc gia như Kutuzov đã làm năm 1812. Nhưng phần lớn giới "tinh hoa chính trị" ở Anh, Tây Âu và Bắc Mỹ đều cho rằng, người Nga sẽ tiếp tục đi đến Berlin.[143] Một luồng dư luận quốc tế khác cũng đồn đoán nhiều thông tin về việc người Nga tiếp tục theo đuổi việc chinh phục bán đảo Balkan và đặt ảnh hưởng lên các eo biển DardanélliaBosporus, con đường hàng hải độc đạo từ Biển Đen ra Địa Trung Hải. Tuy nhiên, người Nga bác bỏ những luận điệu trên và một lần nữa khẳng định, mục tiêu lớn nhất và cuối cùng của họ là tiến đến trung tâm nước Đức Quốc xã. Việc Liên Xô tiến ra biên giới quốc gia năm 1941 ở hướng Tây Nam chứng tỏ rằng Quân đội Liên Xô có thể một mình đánh bại nước Đức Quốc xã và các đồng minh thân cận của nó. Các đồng minh Anh, Mỹ bắt đầu xúc tiến kế hoạch đổ bộ lên nước Pháp. Ngay từ tháng 12 năm 1943, các hoạt động diễn tập đổ bộ đã bắt đầu.[144] và ngày 1 tháng 5 năm 1944, các nhân viên COSSAC hoàn thành kế hoạch chi tiết cho "Trận đánh vì nước Pháp".[145]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_tấn_công_hữu_ngạn_Dniepr http://books.google.com/books?id=33g3ujB6mAoC&dq=r... http://books.google.com/books?id=6UaU6ZLqK4UC&dq=R... http://books.google.com/books?id=Biy-5FvnEUAC http://books.google.com/books?id=DX5rHgAACAAJ&dq=r... http://books.google.com/books?id=JBQOAAAACAAJ&dq=S... http://books.google.com/books?id=KSld2jCQpwkC http://books.google.com/books?id=O2zpAAAACAAJ&dq=W... http://books.google.com/books?id=QQgbAAAAIAAJ&q=ru... http://books.google.com/books?id=X49RqlegjboC&ei=h... http://books.google.com/books?id=_dAWAQAAIAAJ